Làng Cổ Thổ Hà Ở Đâu? Những Nét Văn Hóa Truyền Thống Tại Làng Thổ Hà

5/5 - (1 bình chọn)

Làng nghề Thổ Hà là một cái tên quen thuộc của nghề gốm Việt Nam bởi lịch sử hàng trăm năm và chất lượng sản phẩm nổi tiếng. Nơi đây từng là một thương cảng tấp nập thuyền bè ngược xuôi ra vào bến sông Như Nguyệt. Không chỉ có gốm mà làng cổ Thổ Hà còn nổi tiếng bởi nghề làm bánh đa nem. Cùng Địa Điểm Việt Nam khám phá làng cổ Thổ Hà nhé!

Làng Thổ Hà
Làng Thổ Hà

Giới thiệu về làng Thổ Hà

Thổ Hà là tên gọi của một làng nghề nổi tiếng nay thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Không giống như bao ngôi làng Việt, trải qua những thăng trầm lịch sử và sự tàn phá của thời gian, làng Thổ Hà vẫn hiện lên với tất cả những nét cổ kính, rêu phong. Kiến trúc và những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của làng có sức hút mãnh liệt với khách du lịch trong và ngoài nước.

Ngôi làng nằm dọc theo dòng chảy của bờ Bắc sông Cầu, ba mặt là sông nước mênh mông, làng Thổ Hà hiện lên như một hòn đảo nhỏ. Du khách đến Thổ Hà hay người Thổ Hà ra khỏi làng phần lớn đều phải đi đò.

Bản đồ di chuyển tới làng Thổ Hà


Xem thêm: Kinh Nghiệm Du Lịch Đồng Cao Bắc Giang Từ A – Z

Nét đặc trưng riêng của làng Thổ Hà

Ngôi làng có vị trí như một ốc đảo trên diện tích 20ha, phía Bắc là đồi núi thấp, 3 phía còn lại được bao bọc bởi sông Cầu. Giao thông đường thủy rất thuận tiện, thuyền bè đi lại tấp nập, xuôi sông Cầu có thể về Phả Lại và ra biển, ngược sông Cầu có thể lên Hiệp Hòa, Thái Nguyên. Tuy nhiên, làng Thổ Hà có thể bị ngập vài lần trong mùa nước tháng 6-7 âm lịch hàng năm, mỗi lần ngập vài ngày, dân làng phải đi lại bằng thuyền thúng từ nhà nọ sang nhà kia.

Làng Thổ Hà nổi tiếng với nghề làm bánh đa nem
Làng Thổ Hà nổi tiếng với nghề làm bánh đa nem

Khác với các làng ở đồng bằng Bắc Bộ, làng cổ Thổ Hà không canh tác ruộng, người dân bao đời sống bằng gạo chợ nước sông, thu nhập từ nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Trước 1960 làng nghề Thổ Hà nổi danh về làm gốm, từ 1990 làng có tiếng về làm bánh đa nem và mỳ gạo. Hiện làng có khoảng 775 hộ với 3500 nhân khẩu, trong đó có hơn 400 hộ làm nghề tráng bánh đa nem. Dọc bờ sông bên làng còn có thuyền bè của dân vạn chài sinh sống.

Xem thêm: Kinh Nghiệm Tham Quan Đồi Chè Tân Cương Từ A – Z

Vài nét về lịch sử làng gốm Thổ Hà (Bắc Giang)

Nghề gốm Thổ Hà có từ thế kỉ 12 và là một trong ba trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt, bên cạnh Phù Lãng và Bát Tràng.

Theo gia phả làng nghề và những mẫu hiện vật khảo cổ được tìm thấy thì Thổ Hà là một trong những chiếc nôi của nghề gốm sứ. Thổ Hà đã là một thương cảng gốm tấp nập của vùng Kinh Bắc.

Sự hưng thịnh của nghề gốm đã giúp người dân xây dựng một quần thể kiến trúc đình, chùa, văn chỉ, cổng làng bề thế uy nghi.

Trong làng lưu truyền câu chuyện ông tổ nghề gốm làng Thổ Hà là tiến sĩ Đào Trí Tiến. Vào cuối thời Lý, ba ông Đào Trí Tiến, Hứa Vĩnh Cảo và Lưu Phong Tú cùng làm quan trong triều và được cử đi sứ Bắc Tống (960 – 1127).

Sau khi hoàn tất sứ mệnh, trên đường trở về nước qua Thiều Châu, tỉnh Quảng Đông gặp bão, phải nghỉ lại.

Ở đây có lò gốm nổi tiếng, ba ông đến thăm và học được kỹ thuật làm gốm.

Gốm Thổ Hà
Gốm Thổ Hà

Về nước Đào Trí Tiến truyền nghề làm hàng gốm sắc đỏ thẫm cho Thổ Hà, Hứa Vĩnh Cảo truyền nghề làm hàng gốm sắc trắng cho Bát Tràng, Lưu Phong Tú truyền nghề làm hàng gốm sắc vàng thẫm cho Phù Lãng.

Trước đây lễ dâng hương Tổ nghề gốm (suy tôn cả ba ông) hàng năm được các nhà làm nghề gốm ở Thổ Hà tổ chức luân phiên nhau tại gia đình.

Xem thêm: Kinh Nghiệm Du Lịch Hồ Núi Cốc: Ăn Gì, Ở Đâu, Lịch Trình Di Chuyển

Kiến trúc làng Thổ Hà

Đường chính của làng chạy dọc bờ sông Cầu, rẽ ra các ngõ xóm sâu và hẹp, nơi lưu dấu tích nghề gốm vang bóng một thời, với những bức tường cổ được xây toàn bằng những mảnh gốm, tiểu sành vốn là những sản phẩm bị lỗi của làng gốm, được người dân tận dụng làm vật liệu xây dựng. Đặc biệt, những bức tường này ấm áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè, lại rất bền bỉ qua thời gian, trở thành nét độc đáo rất riêng của làng cổ Thổ Hà.

Trong làng có những công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ thế kỷ 16-17, như 3 di tích lịch sử văn hóa đã được nhà nước công nhận là Đình làng Thổ Hà, chùa Thổ Hà, Văn chỉ, được điêu khắc, chạm trổ tinh xảo, và vẫn còn lưu giữ gần 20 tấm bia đá ghi chữ nho ở cả hai mặt.

Cây đa, bến nước, sân đình
Cây đa, bến nước, sân đình

Cổng làng Thổ Hà khá bề thế nằm bên gốc đa cổ thụ rợp mát, được đánh giá là một trong những chiếc cổng làng đẹp nhất ở vùng hạ và trung lưu sông Cầu. Ngoài ra, trong làng còn có 4 ngôi điếm ở bốn xóm, và đặc biệt là các ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi với kiến trúc đẹp mắt.

Xem thêm: Kinh Nghiệm Tham Quan Vườn Quốc Gia Xuân Sơn Từ A – Z

Lễ hội làng Thổ Hà

Hàng năm, từ ngày 20 – 22 tháng Giêng âm lịch, lễ hội làng Thổ Hà được tổ chức trong không gian văn hóa dân gian sinh động và nhiều màu sắc, lưu giữ gần như nguyên vẹn các nghi thức cổ truyền của lễ hội xứ Bắc, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương về dự.

Phần lễ diễn ra trọng thể và bài bản. Nổi bật là lễ rước Thành hoàng làng, với đám rước gồm hàng trăm người trong trang phục rực rỡ, dẫn đầu là đoàn lân, đội bát nhã kèn trống, ba ông Phúc – Lộc – Thọ cùng cặp Tiên đồng – Ngọc nữ do dân làng hóa trang, theo sau là đoàn múa…

Phần hội với nhiều trò chơi dân gian như: đấu vật, cờ tướng, bơi chải, thi gà chọi Thổ Hà, chèo thuyền bắt vịt … cùng các tiết mục văn nghệ đặc sắc như: hát Chầu văn, biểu diễn tuồng, đặc biệt là làn điệu dân ca quan họ tình tứ, da diết của các liền anh, liền chị trên bến sông Cầu.

Xem thêm: Đầm Ao Châu Ở Đâu? Thưởng Ngoạn Danh Lam Thắng Cảnh Đầm Ao Châu

Liên hệ

Trên đây là thông tin thú vị về làng cổ Thổ Hà mà Địa Điểm Việt Nam đã tổng hợp. Nếu có dịp hãy một lần đặt chân đến đây nhé. Để khám phá nhiều hơn về những địa điểm đẹp, hãy khám phá danh mục địa danh của Địa Điểm Việt Nam.

Để cộng đồng Địa Điểm Việt Nam được phát triển, ban quản trị mời các bạn đọc tham gia Group Facebook chính thức của cộng đồng để theo dõi thêm nhiều những địa điểm lý tưởng, hấp dẫn, mới lạ khác của Việt Nam, và cùng các thành viên của cộng đồng chia sẻ những địa điểm hấp dẫn mà các bạn đã được trải nghiệm, để cộng đồng ngày càng phát triển, đưa vẻ đẹp Việt Nam tới nhiều người hơn nữa. Xin trân thành cảm ơn quý bạn đọc! Link tham gia Group Địa Điểm Việt Nam:

fb.com/groups/diadiemvietnam.vn

Bài viết liên quan