Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam: địa chỉ, liên hệ

5/5 - (3 bình chọn)

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Vietnam Academy of Science and Technology, viết tắt là VAST) là cơ quan thuộc Chính phủ. Đây là cơ quan nghiên cứu về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như quá trình chuyển đổi số trong thời đại công nghệ 4.0. Hãy cùng Địa điểm Việt Nam tìm hiểu về cơ quan này nhé.

Mục Lục

Khái quát về Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

vien-han-lam-khoa-hoc-va-cong-nghe-viet-nam
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Phát triển khoa học công nghệ là một chủ trương lớn mà Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Trước năm 1970, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương xây dựng một Trung tâm khoa học của cả nước và quyết định xây dựng Viện Khoa học Tự nhiên. Ngay trong thời gian chống Mỹ, một số cơ sở nghiên cứu được thành lập như viện Toán học, viện Vật lý, viện Nghiên cứu biển.

Năm 1970 các viện trên và nhiều đơn vị nghiên cứu khác được tập hợp lại thành Trung tâm nghiên cứu khoa học, thuộc Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Ngày 20/5/1975, Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Viện Khoa học Việt Nam trên cơ sở Trung tâm này.

Ngày 15/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 60/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Theo đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ; cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quản lý khoa học, công nghệ và xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có 51 đơn vị trực thuộc bao gồm: 6 đơn vị giúp việc Chủ tịch Viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập; 34 đơn vị sự nghiệp nghiên cứu khoa học (28 đơn vị do Thủ tướng Chính phủ thành lập và 6 đơn vị do Chủ tịch Viện thành lập); 7 đơn vị sự nghiệp khác; 4 đơn vị tự trang trải kinh phí và 1 doanh nghiệp Nhà nước.

le-trao-giai-truc-tuyen
Các nhà khoa học của Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam tại lễ trao giải trực tuyến

1. Ban lãnh đạo 

Lãnh đạo Viện hiện tại gồm có Chủ tịch Viện và 3 Phó Chủ tịch. Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm và chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về toàn bộ hoạt động của Viện. Chủ tịch Viện hiện tại là Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh. Tiếp đó là 3 Phó Chủ tịch có nhiệm vụ hỗ trợ Chủ tịch Viện trong quản lý và điều hành các lĩnh vực công tác bao gồm: Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hoàng Hà; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Trường Giang; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Tuấn Anh. 

2. Đơn vị chuyên môn giúp việc Chủ tịch viện

Các đơn vị chuyên môn giúp việc Chủ tịch viện gồm:

  • Ban Tổ chức – Cán bộ
  • Ban Kế hoạch – Tài chính
  • Ban Ứng dụng và triển khai công nghệ
  • Ban Hợp tác quốc tế
  • Ban Kiểm tra
  • Văn phòng
  • Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh (trực thuộc Văn phòng)

3. Viện nghiên cứu

Các Viện nghiên cứu gồm:

  • Viện Toán học
  • Viện Vật lý
  • Viện Hóa học
  • Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên
  • Viện Cơ học
  • Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật
  • Viện Địa lý
  • Viện Địa chất
  • Viện Vật lý địa cầu
  • Viện Hải dương học
  • Viện tài nguyên và môi trường biển
  • Viện Địa chất và địa vật lý biển
  • Viện Khoa học và năng lượng
  • Viện Khoa học vật liệu
  • Viện Công nghệ thông tin
  • Viện Công nghệ sinh học
  • Viện Công nghệ môi trường
  • Viện Công nghệ hóa học
  • Viện Công nghệ vũ trụ
  • Viện Cơ học và tin học ứng dụng
  • Viện Sinh học nhiệt đới
  • Viện Kỹ thuật nhiệt đới
  • Viện Khoa học vật liệu ứng dụng
  • Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang
  • Viện Hóa sinh biển
  • Trung tâm vũ trụ Việt Nam
  • Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên
  • Viện Nghiên cứu hệ gen

4. Đơn vị sự nghiệp

Các Đơn vị sự nghiệp gồm:

  • Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và công nghệ
  • Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam
  • Trung tâm Thông tin – Tư liệu
  • Trung tâm Tin học và tính toán
  • Trung tâm Phát triển công nghệ cao
  • Học viện Khoa học và công nghệ
  • Trường Đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội
  • Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ

Nhiệm vụ và quyền hạn của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Ngày 25 tháng 12 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 108/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Theo đó, Viện cần thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây. 

1. Về chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch

– Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch phát triển, các chương trình, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm, các dự án, đề án quan trọng của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và tổ chức thực hiện sau khi phê duyệt;

– Tham gia thẩm định trình độ công nghệ, xét duyệt luận chứng kinh tế – kỹ thuật các công trình trọng điểm, quan trọng của Nhà nước và của các địa phương theo sự phân công của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Quyết định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam theo quy định của pháp luật.

2. Về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

– Nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực: Toán học; vật lý; hóa học; sinh học; công nghệ sinh học; công nghệ thông tin; điện tử; tự động hóa; công nghệ vũ trụ; khoa học vật liệu; đa dạng sinh học và các chất có hoạt tính sinh học; khoa học trái đất; khoa học và công nghệ biển; môi trường và năng lượng; dự báo, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai;

– Nghiên cứu tổng hợp các nguồn tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên và môi trường;

– Triển khai, ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ;

– Đề xuất và chủ trì thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia theo phân công củ cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

3. Về thực hiện dịch vụ công

– Tổ chức triển khai thực hiện các dịch vụ công được Chính phủ giao theo quy định của pháp luật;

– Kiểm tra việc tổ chức thực hiện dịch vụ công đối với các đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật.

4. Về hợp tác quốc tế

– Thực hiện hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật;

– Đề xuất việc ký, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế, tạm đình chỉ việc thực hiện điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật;

– Tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

– Ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế, chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam theo quy định của pháp luật.

– Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các chương trình, dự án quốc tế tài trợ theo quy định của pháp luật;

– Tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo, chương trình, kế hoạch hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật;

– Tổ chức hợp tác nghiên cứu và liên kết đào tạo về khoa học và công nghệ với các tổ chức quốc tế, các viên nghiên cứu và trường đại học nước ngoài theo quy định của pháp luật.

5. Về chế độ thông tin, báo cáo

– Tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các nhiệm vụ chính trị, chính sách, chế đội và pháp luật của Nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực được giao;

– Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả hoạt động của cơ quan theo quy định của pháp luật;

– Báo cáo và cung cấp thông tin động đất, cảnh báo sóng thần với cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

6. Về tổ chức bộ máy

– Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập mới, tổ chức lại, giải thể, đổi tên các tổ chức, đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt nam theo quy định của pháp luật;

– Quản lý về tổ chức, bộ máy, biên chế công chức, số lượng người làm việc, vị trí việc làm, cơ cấu công chức, viên chức theo ngạch, chức danh nghề nghiệp; quyết định luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật; chế độ, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

7. Về quản lí tài chính, tài sản

– Xây dựng dự toán ngân sách hàng năm của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

– Quyết định phân bổ chỉ tiêu kế hoạch, kiểm tra việc chi tiêu, chịu trách nhiệm quyết toán;

– Quản lý tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật.

8. Thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn khác

– Quyết định và chỉ đạo việc thực hiện chương trình cải cách hành chính theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

– Đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao; tổ chức đào tạo đại học và sai đại học về khoa học tự nhiên và công nghệ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật;

– Tư vấn các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, chương trình và dự án phát triển khoa học và công nghệ quan trọng trong phạm vi chức năng được giao theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

– Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Giải thưởng Trần Đại Nghĩa của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

trao-giai-thuong-tran-dai-nghia-nam-2019
Lễ trao giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019

Nhằm ghi nhận và biểu dương những cống hiến trong suốt cuộc đời lao động khoa học của giáo sư Trần Đại Nghĩa, ngày 16 tháng 11 năm 2015, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ra Quyết định số 1883/QĐ-VHL về việc Ban hành Quy chế giải thưởng Trần Đại Nghĩa. Giải thưởng này được trao tặng vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (ngày 20/5 hàng năm) và trao lần đầu tiên vào năm 2016.

Người được trao giải thưởng Trần Đại Nghĩa là các nhà khoa học người Việt Nam và nước ngoài đã hoàn thành hoặc đang chủ trì các công trình nghiên cứu xuất sắc thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín hoặc được cấp bằng phát minh, bằng độc quyền sáng chế; đã tổ chức triển khai ứng dụng các công trình đó ở Việt Nam; đã có đóng góp hoặc có triển vọng đóng góp đem lại hiệu quả lớn về kinh tế – xã hội và an ninh quốc phòng. Mỗi lần trao tặng không quá 3 Giải thưởng, mỗi Giải thưởng không quá 3 người.

Có 7 lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ được xét tặng giải thưởng Trần Đại Nghĩa bao gồm:

  • Toán học
  • Cơ học
  • Khoa học thông tin và Khoa học máy tính
  • Vật lý học
  • Hóa học
  • Khoa học sự sống
  • Khoa học Trái Đất

Một số nhà khoa học tiêu biểu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

giao-su-tran-dai-nghia
Giáo sư Trần Đại Nghĩa

Trong những năm gần đây, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam luôn luôn quan tâm đến việc đào tạo cán bộ có trình độ cao cho các đơn vị của mình cũng như phục vụ chung cho đất nước. Có thể nói lực lượng các nhà khoa học của Viện ngày càng đông đảo và chất lượng. Tiêu biểu có thể kể đến là 5 nhà khoa học sau đây.

1. Cố Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa

Giáo sư Trần Đại Nghĩa, tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 tại xã Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Mồ côi cha lúc 6 tuổi, mẹ và chị gái đã tần tảo nuôi em vượt khó ăn học. Ông luôn ghi nhớ lời căn dặn cuối cùng của cha trước khi đi xa. Năm 1933, Phạm Quang Lễ đã thi đỗ hai bằng tú tài: Tú tài ta và tú tài tây.

Tháng 9/1935, ông lên tàu thủy đi Pháp du học. Sau những năm tháng học tập cần cù, Phạm Quang Lễ đã nhận được cùng một lúc ba bằng đại học: Kỹ sư cầu đường, kỹ sư điện và cử nhân toán học. Sau đó, anh lấy tiếp bằng Kỹ sư hàng không, bằng của Trường mỏ và Trường đại học bách khoa. Được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ, kỹ sư Trần Đại Nghĩa đã cùng nhiều đồng chí xây dựng và phát triển ngành quân giới, chế tạo ra nhiều loại vũ khí mới, nổi bật nhất là súng và đạn Bazoka, súng không giật SKZ.

Với những cống hiến hết mình, tại Đại hội anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất ở Việt Bắc năm 1952, kỹ sư Trần Đại Nghĩa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, một trong bảy Anh hùng lao động đầu tiên của nước ta. Mỗi chặng đường công tác thành công của ông đều được ghi nhận bằng những huân chương và giải thưởng cao quý như: Danh hiệu Anh hùng lao động, huân chương kháng chiến, huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh.

2. Cố Giáo sư Lê Văn Thiêm

Giáo sư Lê Văn Thiêm sinh ngày 29/3/1918 tại xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Nhiều vấn đề lớn của đất nước như: Tính toán nước thấm và chế độ dòng chảy cho các đập thuỷ điện Hòa Bình, Vĩnh Sơn; Tính toán chất lượng nước cho công trình thuỷ điện Trị An,… đã được ông và những người cộng tác nghiên cứu giải quyết.

Ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ ở Đức năm 1944, Luận án Tiến sĩ Quốc gia ở Pháp năm 1948 và cũng là người Việt Nam đầu tiên được mời làm Giáo sư Toán học và Cơ học tại Đại học Tổng hợp Zuyrich (Thụy Sĩ, 1949). Ông là Đại diện toàn quyền của Việt Nam tại Viện Liên Hợp nghiên cứu hạt nhân Dubna, Liên Xô (1956 – 1980).

Với những đóng góp to lớn đó, ông vinh dự được nhận nhiều huân chương và giải thưởng như: Huân chương Kháng chiến hạng 3, Huân chương Lao động hạng 2, Huân chương Kháng chiến chống Mĩ cứu nước hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996).

3. Cố Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu sinh ngày 21-7-1938 tại thị xã Hà Đông (Hà Tây). Năm 1956, ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Khoa học Hà Nội. Từ 1956 -1960, sau khi tốt nghiệp cử nhân Vật lý loại xuất sắc, ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Ông đã đạt được học vị Tiến sỹ (1963) và Tiến sỹ khoa học Toán-Lý (1964), trở thành Giáo sư vật lý của Trường Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp danh tiếng từ năm 1968, khi mới 30 tuổi. Thành tích nghiên cứu khoa học của ông đã được Nhà nước Liên Xô ghi nhận bằng sự kiện trao tặng Giải thưởng Lê-nin về Khoa học và Kỹ thuật năm 1986, được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Kỹ thuật năm 1996, và nhiều giải thưởng khác.

4. Cố Giáo sư, Viện sĩ Hoàng Tụy

Giáo sư Hoàng Tụy sinh ngày 17-12-1927 tại Xuân Đài, Điện Bàn, Quảng Nam. Năm 1959, Hoàng Tụy trở thành một trong hai người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ khoa học toán – lý tại Trường Lô-mô-nô-xốp, Mát-xcơ-va. Năm 1997, tại Viện Công nghệ Linköping (Thụy Điển), hội thảo quốc tế với chủ đề Tìm tối ưu từ địa phương đến toàn cục được tổ chức để tôn vinh Giáo sư Hoàng Tụy và nhân dịp giáo sư tròn 70 tuổi.

Ông là tổng biên tập của 2 tạp chí Toán học Việt Nam (1980 -1990), Uỷ viên ban biên tập của 3 tạp chí toán học quốc tế, Tiến sĩ danh dự trường Đại học Linköping, Thụy Điển (1995), Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996). Ông đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực quy hoạch toán học và tối ưu. Là một trong những nhà toán học đầu tiên của Việt Nam có công xây dựng ngành toán học Việt Nam, là Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, đưa việc áp dụng vận trù vào Việt Nam, đào tạo các thế hệ toán học trẻ cho đất nước.

5. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Vũ Minh

Giáo sư Đặng Vũ Minh sinh ngày 11/9/1946 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp khoa Hoá học, Trường Đại học Tổng hợp Mat-xcơ-va (Liên Xô) năm 1968. Bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 1978 và luận án Tiến sĩ khoa học năm 1984 tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.

Năm 1991, ông được phong chức danh Giáo sư. Năm 1999, ông được bầu làm Viện sĩ nước ngoài Viện Hàn lâm khoa học Nga. Giáo sư Đặng Vũ Minh là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu trên các lĩnh vực địa hoá đồng vị, hoá học và công nghệ các nguyên tố hiếm. Ông cũng là đồng tác giả của cuốn sách chuyên đề “Sản phẩm phân hạch của các nguyên tố siêu u-ran trong vũ trụ”.

Giáo sư Đặng Vũ Minh là Chủ tịch Hội Phân tích Hoá – Lý – Sinh Việt Nam và Tổng biên tập tạp chí Phân tích Hoá – Lý – Sinh. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005 (cùng với 4 đồng tác giả).

Tuyển dụng viên chức Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Viện Công nghệ sinh học thông báo tuyển dụng viên chức năm 2022 như sau:

1. Điều kiện, tiêu chuẩn dự tuyển

Đối tượng dự tuyển: là công dân Việt Nam và cư trú tại Việt Nam. Tuổi đời từ đủ 18 tuổi trở lên.

Điều kiện dự tuyển: phải có đủ các điều kiện sau đây

– Có phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng được tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch dự tuyển nghiên cứu viên, mã số: V.05.01.03

– Có đủ các điều kiện quy định tại Điều 22 Luật Viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15/11/2010 của Quốc hội

– Có đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ

– Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT_BGDDT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo

– Có trình độ đại học đúng chuyên ngành

Chỉ tiêu tuyển dụng: 02 nghiên cứu viên gồm

– 1 nghiên cứu viên tại Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc và Liệu pháp gen V.05.01.03. Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành sinh học, công nghệ sinh học, thú y. Ưu tiên có bằng tiến sĩ đúng chuyên ngành ở nước ngoài, có kinh nghiệm nghiên cứu ít nhất 01 năm về tế bào, tế bào gốc; có ít nhất 2 công trình công bố quốc tế

– 1 nghiên cứu viên tại Phòng Công nghệ phôi V.05.01.03. Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành sinh học. Ưu tiên có bằng tiến sĩ đúng chuyên ngành ở nước ngoài, có kinh nghiệm nghiên cứu ít nhất 03 năm về Công nghệ phôi và hỗ trợ sinh sản động vật; có ít nhất 02 công trình công bố quốc tế

Hình thức tuyển dụng: xét tuyển, thực hiện phỏng vấn tại vòng 2.

2. Hồ sơ đăng ký dự tuyển bao gồm 2 bộ hồ sơ như sau

– Phiếu đăng ký dự tuyển viên chức

– Bản sơ yếu lý lịch tự thuật có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển

– Bản sao các văn bằng, chứng chỉ và kết quả học tập tiến sĩ, thạc sĩ, đại học theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, được cơ quan có thẩm quyền chứng thực. Trường hợp văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công chứng dịch thuật sang tiếng Việt

– Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp

– Giấy chứng nhận sức khỏe còn giá trị sử dụng

– Giấy chứng nhận thuộc đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng viên chức (nếu có)

– Giấy xác nhận kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ

– 01 ảnh 4 x 6 (để làm thẻ dự tuyển).

3. Lệ phí dự thi

Lệ phí dự thi: 500.000 đ/ người (theo TT số 228/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính).

4. Thời hạn nộp hồ sơ

Từ ngày 15/4/2022 đến hết ngày 15/5/2022 (trong giờ hành chính).

5. Địa điểm nhận hồ sơ

Bộ phận Tổ chức cán bộ, phòng Quản lý tổng hợp, nhà A10 Viện Công nghệ sinh học.

Thông tin liên hệ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam


– Địa chỉ: 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội

– Tel: 024.38363122

– Website: https://vast.gov.vn/

Trên đây là những thông tin cơ bản về Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam mà Địa điểm Việt Nam đã chia sẻ tới các bạn. Mong rẳng sau bài viết này mọi người sẽ có cho mình những kiến thức hữu ích. Nếu thấy bài viết này hữu ích hay vẫn còn thắc mắc về cơ quan này, hãy để lại những bình luận ở phía dưới để Địa điểm Việt Nam có thể giải đáp thắc mắc của các bạn. Hãy truy cập Website: https://diadiemvietnam.vn/ để biết thêm nhiều thông tin hữu ích về các địa điểm tại Việt Nam.

Để cộng đồng Địa điểm Việt Nam được phát triển, Ban quản trị xin phép mời các bạn đọc tham gia Group Facebook chính thức của cộng đồng để theo dõi thêm nhiều những địa điểm lý tưởng, hấp dẫn, mới lạ khác của Việt Nam, và cùng các thành viên của cộng đồng chia sẽ những địa điểm hấp dẫn mà các bạn đã được trải nghiệm để cộng đồng ngày càng phát triển, đưa vẻ đẹp Việt Nam tới nhiều người hơn nữa. Xin trân thành cảm ơn quý bạn đọc! Link tham gia Group Địa điểm Việt Nam:

fb.com/groups/diadiemvietnam.vn

Bài viết liên quan