Bảo Tàng Cổ Vật Cung Đình Huế: Địa chỉ, giá vé, tham quan từ A-Z

5/5 - (2 bình chọn)

Huế là thành phố với nhiều công trình kiến trúc độc đáo, với nhiều đền đài lăng tẩm mang dấu ấn lịch sử của các vị vua triều Nguyễn. Đến Huế ngoài tham quan những nơi như Đại Nội, lăng Khải Định, lăng Tự Đức… bạn nên ghé đến tham quan bảo tàng cổ vật cung đình Huế để có thể chiêm ngưỡng những hiện vật, cũng như tìm hiểu về cuộc sống vương triều xưa của thành phố cổ kính này. Cùng xem nơi đây có gì mà hấp dẫn đến vậy nhé!

bảo tàng cổ vật cung đình huế

Đôi nét về bảo tàng cổ vật cung đình Huế

Bảo tàng cổ vật cung đình Huế hiện đang thuộc sự quản lý của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế. Đây được xem là bảo tàng được thành lập sớm nhất ở Huế, vào năm 1923.

Lúc mới được thành lập bảo tàng có tên là Musee’ Khải Định. Sau đó, nó đã năm lần được thay đổi tên: Tàng Cổ Viện Huế (từ năm 1947, dưới thời hội đồng chấp chính Trung Kỳ). Ngày 29 tháng 9 năm 1958 chiếu theo Nghị định 1479-DG/NĐ thì Viện Tàng cổ đổi tên thành Viện Bảo tàng Huế thuộc Viện Khảo cổ, Bộ Quốc gia Giáo dục của Việt Nam Cộng hòa.

Cùng lúc đó Phòng Cổ vật Chàm cũng được sát nhập vào Viện Bảo tàng Huế. Rồi lần lượt đổi tên là Nhà trưng bày cổ vật (từ năm 1979), Bảo tàng cổ vật Huế (từ năm 1992) Bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế (từ năm 1995) và cuối cùng là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Địa chỉ bảo tàng cổ vật cung đình Huế

Địa chỉ: 03 Lê Trực, phường Thuận Thành, thành phố Huế

Giờ mở cửa: Mở cửa tất cả các ngày trong tuần, từ 6:30 đến 17:30 (riêng mùa Đông mở cửa từ 7:00 đến 17:00)

Vị trí trên gg maps:

Giá vé tham quan bảo tàng cổ vật cung đình Huế

Vé vào cổng: Người lớn 150.000 VNĐ (người lớn), 50.000 VNĐ (trẻ em).

Giá vé trên bao gồm cả tham quan Đại Nội Huế luôn đấy nhé!

Bảo tàng cổ vật cung đình Huế là một trong những địa điểm không nên bỏ qua khi đến du lịch Huế. Đến nơi đây bạn sẽ được trải nghiệm, tìm hiểu và chiêm ngưỡng những giá trị lịch sử tưởng chừng như đã bị lãng quên bao lâu nay.

Hướng dẫn di chuyển đến bảo tàng cổ vật Huế

Nằm ngay trong khu vực Đại nội Huế, thế nên bạn có thể dễ dàng di chuyển đến Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Hai loại phương tiện được sử dụng phổ biến nhất mà bạn có thể lựa chọn đó chính là xe máy hoặc taxi.

Hiện nay trong khu vực trung tâm thành phố Huế có nhiều cửa hàng cung cấp dịch vụ thuê xe máy theo ngày với mức giá dao động trong tầm từ 120.000 VNĐ đến 150.000 VNĐ tùy theo loại xe mà bạn chọn, có thể là xe số hoặc xe ga. Bạn chỉ việc liên hệ trước với cửa hàng và họ sẽ mang xe đến tận khách sạn bạn đang lưu trú.

cổ vật cung đình huế

Hoặc nếu cái nóng oi ả đặc trưng của dải đất miền Trung khiến bạn cảm thấy e dè khi phải chạy xe, tại sao không lựa chọn đi bằng taxi đúng không bạn ơi? Hiện nay tại Huế có nhiều hãng taxi đang hoạt động với đội ngũ xe cao cấp, sang trọng cùng cung cách phục vụ thân thiện, nhiệt tình và niềm nở. Giá cho mỗi chiều di chuyển dao động trong tầm 80.000 VNĐ thôi, quá là phù hợp đúng không nè?

Các hãng taxi mà bạn có thể tin tưởng lựa chọn làm ‘bạn đồng hành’ trong suốt hành trình khám phá Huế chính là hãng taxi Mai Linh, taxi Phú Xuân Huế, taxi Vina Sun Huế, taxi Thành Công Huế, Hue Private Taxi, Taxi Vàng, Taxi Hương Giang, Taxi Hoàng Anh, v.v.

Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế có gì đặc biệt?

Tòa nhà chính của viện bảo tàng có tên là Long An. Tòa nhà này chính là điện Long An xây năm 1845 dưới thời vua Hiến tổ nhà Nguyễn, niên hiệu là Thiệu Trị. Nơi này trưng bày hơn 300 hiện vật bằng vàng, sành, sứ, pháp lam Huế, ngự y và ngự dụng, trang phục của hoàng thất nhà Nguyễn, cho khách tham quan một cái nhìn tổng thể về cuộc sống cung đình Huế.

Ngoài ra bảo tàng cổ vật cung đình Huế hiện còn có tới 700 hiện vật gồm gốm mộc, gốm tráng men từ thời nhà Lý đến thời nhà Nguyễn. Ngoài ra còn có gốm sứ Trung Hoa, Nhật Bản, Pháp… Có thể nói bảo tàng là một bộ sưu tập gốm sứ của triều Nguyễn và các nước.

cổ vật bảo tàng cung đình Huế

Ngoài các hiện vật được trưng bày, bảo tàng còn cất giữ hàng ngàn hiện vật khác. Nhiều nhất ở đây là đồ sứ men lam, thường được gọi là “Bleu de Hue” – còn gọi là đồ cổ “pháp lam Huế”. Đây là “đồ kiểu” được chế tác bằng kỹ thuật cao, do triều đình nhà Nguyễn đặt làm từ các lò sản xuất đồ gốm nổi tiếng bên Trung Hoa, căn cứ theo sở thích, mẫu mã, kích cỡ mà vua quan Việt Nam nêu ra trong “đơn đặt hàng”.

bảo tàng cung đình Huế

Bởi vậy, đồ cổ pháp lam là các tác phẩm không có bản sao và là “độc nhất vô nhị” bởi do các tác phẩm làm theo đơn đặt hàng. Trong kho gốm men cũng có một số đồ sản xuất tại Pháp, Nhật, Anh, Mỹ… Khoảng 100 bộ áo quần của các vua, hoàng hậu, hoàng tử, quan lại, lính tráng cũng đang được lưu giữ ở kho đồ vải. Ngoài ra còn rất nhiều hiện vật làm bằng thủ công khá độc đáo được xem là vô giá.

khu trưng bày bảo tàng cung đình Huế

Trong khuôn viên bảo tàng này, còn có một nhà kho khác tàng trữ hơn 80 hiện vật Chàm được sưu tầm tại vùng châu Ô, châu Lý ngày xưa, và mang ra từ Trà Kiệu trong những cuộc khai quật khảo cổ học tại đó vào năm 1927. Riêng các hiện vật Chàm đã từng được những nhà nghiên cứu đánh giá là những di sản văn hóa quy hiếm.

Lời kết

Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế với nhiều hiện vật quý hiếm thật sự là điểm đến hoàn hảo dành cho những ai muốn có cái nhìn rõ nét, chân thực hơn về triều đại các vua quan triều Nguyễn ngày trước. Nếu bạn có dịp đến tham quan Huế thì đừng bỏ qua địa điểm này nhé! Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm và theo dõi bài viết của Địa Điểm Việt Nam.

Để cộng đồng Địa Điểm Việt Nam được phát triển, ban quản trị mời các bạn đọc tham gia Group Facebook chính thức của cộng đồng để theo dõi thêm nhiều những địa điểm lý tưởng, hấp dẫn, mới lạ khác của Việt Nam, và cùng các thành viên của cộng đồng chia sẻ những địa điểm hấp dẫn mà các bạn đã được trải nghiệm, để cộng đồng ngày càng phát triển, đưa vẻ đẹp Việt Nam tới nhiều người hơn nữa. Xin trân thành cảm ơn quý bạn đọc! Link tham gia Group Địa Điểm Việt Nam: fb.com/groups/diadiemvietnam.vn

Bài viết liên quan