Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một cơ quan thực hiện quyền lập pháp quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Việt Nam và là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hãy cùng Địa điểm Việt Nam tìm hiểu về cơ quan quyền lực này nhé.
Khái quát về Quốc hội Việt Nam
Theo các sắc lệnh năm 1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và các văn kiện tại 2 kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá I năm 1946 – tên gọi ban đầu của cơ quan lập pháp là Quốc dân Đại hội hay Quốc dân Đại biểu Đại hội (còn gọi là Toàn quốc Đại biểu Đại hội).
Ngày 9/11/1946, Hiến pháp năm 1946 được thông qua tại kỳ họp thứ 2 (Quốc hội khoá I) đã xác định tên chính thức của cơ quan lập pháp là Nghị viện Nhân dân. Tuy nhiên, bản Hiến pháp này không được công bố/thực thi trong hoàn cảnh chiến tranh, vì vậy tên gọi và các chức vụ cũ trong Quốc hội vẫn được giữ nguyên khi hoạt động.
Ngày 31/12/1959, Hiến pháp năm 1959 được thông qua tại kỳ họp thứ 11 (Quốc hội khóa I) quyết định tên chính thức của cơ quan lập pháp này là Quốc hội và đến nay vẫn được giữ cố định.
Quốc hội Việt Nam hiện nay là thành viên của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Hội đồng Nghị viện châu Á (APA), Diễn đàn các nghị sĩ về dân số và phát triển (AFPPD), Liên minh Nghị viện các nước Châu Á – Thái Bình Dương (APPU), Tổ chức nghị sĩ thầy thuốc thế giới (IMPO), Diễn đàn Nghị sĩ các nước châu Á – Thái Bình Dương (APPF), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF).
Kiến trúc đặc biệt của Tòa nhà Quốc hội Việt Nam
Nhà Quốc hội hay Tòa nhà Quốc hội Việt Nam, còn có tên gọi khác là Hội trường Ba Đình mới, là trụ sở làm việc và nơi diễn ra các phiên họp toàn thể của Quốc hội Việt Nam. Tòa nhà tọa lạc trên đường Độc Lập, nhìn ra Quảng trường Ba Đình, đối diện với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và nằm cạnh khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Tòa nhà là công trình công sở có quy mô lớn và phức tạp nhất được xây dựng tại Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước với kiến trúc hiện đại tích hợp các giải pháp ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến phức tạp.
Công trình Nhà Quốc hội mất 15 năm (1999–2014) từ khi phôi thai ý tưởng cho đến lúc khánh thành đã tạo ra vô vàn tranh luận trong xã hội cũng như các phương tiện thông tin đại chúng từ vị trí xây dựng, bảo tồn di tích đến phương án kiến trúc. Việc xây dựng Nhà Quốc hội cũng dẫn đến cuộc khai quật khảo cổ lớn nhất tại Việt Nam ở địa chỉ 18 Hoàng Diệu. Công ty tư vấn kiến trúc Gerkan, Marg und Partner International GmbH của Cộng hòa Liên bang Đức đã nhận Giải thưởng Lớn – giải thưởng cao nhất trong Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2014 của Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho công trình Nhà Quốc hội.
Ý nghĩa biểu tượng
Nhà Quốc hội là một khối lập phương, mặt bằng hình vuông biểu trưng cho “đất”, “người mẹ”, ở giữa là Phòng họp chính hình tròn tượng trưng cho “trời”, “người cha”. Hai khối kiến trúc này cũng được lấy cảm hứng từ hình ảnh bánh chưng – bánh giầy mang đậm chất văn hóa Việt Nam.
Phòng họp Quốc hội ở giữa có nở ra từ đáy lên nóc, được đặt trên tám cột tròn bao quanh sảnh chính, vách nghiêng hướng ra ngoài như hình tượng một vương miện quý giá. Tòa nhà gần như được bọc kính trong suốt vừa để thể hiện cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước nhưng cũng là cơ quan dân cử, để gần dân hơn, đồng thời thể hiện ý nghĩa công khai, minh bạch hoạt động của Quốc hội.
Bố trí không gian
Công trình nhà Quốc hội gồm năm tầng nổi và hai tầng chìm, tổng chiều cao công trình khoảng 39m, tổng diện tích mặt sàn 63.240m² với 540 phòng. Tòa nhà có hai khối chính: Phòng họp ở giữa hình tròn và Khối nhà bao xung quanh hình vuông. Nhà Quốc hội có tổng số hơn 80 phòng họp lớn nhỏ, trong đó có hai hội trường lớn cũng là hai phòng họp chính: Phòng họp Quốc hội (Hội trường Diên Hồng) và phòng họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phòng Tân Trào).
Có hai lối vào công trình là Tiền sảnh chính hướng ra phía tây, đường Độc Lập (phía Quảng trường Ba Đình) và một sảnh hướng ra đường Bắc Sơn với sân rộng để tổ chức nghi lễ ngoài trời. Dưới đáy phòng họp chính là Đại sảnh như một không gian mở dùng để tiếp đón các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo cấp cao trên thế giới. Mái nhà lắp kính tạo thành một giếng trời, lấy ánh sáng tự nhiên bao quanh phòng họp trung tâm.
Hội trường Diên Hồng
Cái tên Diên Hồng được lấy cảm hứng từ Hội nghị dân chủ đầu tiên của nước ta, diễn ra vào thời Nhà Trần. Hội trường Diên Hồng được đặt chính giữa công trình, có mặt bằng hình tròn, mặt đứng có hình nón cụt ngược. Đường kính đáy dưới 44m, đường kính đáy trên 54m, mái tròn trên đường kính 60 m.
Hội trường Diên Hồng được đặt trên 8 cột bê tông, trong đó khối lượng thép cốt cứng khoảng 640 tấn. Mỗi cột dài 15 m, trọng lượng 80 tấn/cột. Khi dựng cột đã dùng cần cẩu có sức nâng 1.250 tấn. Hệ thống 8 cột thép hình chữ I còn có chức năng giảm thiếu tác động của động đất.
Phòng Diên Hồng có quy mô: 604 chỗ ngồi của Đại biểu Quốc hội Việt Nam; 339 chỗ ngồi của báo chí và khách mời, khách dự thính. Bàn phòng họp bố trí hình vòng cung, giật cấp, hướng về sân khấu trung tâm. Khu vực Chủ tịch đoàn được bố trí hai dãy bàn, mỗi dãy 5 ghế, ghế chính giữa của Chủ tịch Quốc hội được đặt cao hơn. Hai bên là khu vực dành cho ủy viên Thường vụ quốc hội và thành viên Chính phủ.
Phòng Tân Trào
Phòng Tân Trào với chức năng chính là nơi họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được bố trí ở tầng 2, cánh phía đông, chiều cao tầng thông thủy là 6m, diện tích phòng là 600 m². Phòng Tân Trào thiết kế hệ thống 6 màn hình xung quanh giúp các đại biểu dễ dàng quan sát diễn biến phiên họp. Toàn bộ thiết bị điện tử, hệ thống âm thanh ánh sáng hội trường đều được đặt và nhập từ nước ngoài.
Các không gian khác
Các không gian khác trong tòa nhà bao gồm:
- Khu làm việc của các vị lãnh đạo cao cấp của Quốc hội
- Khu làm việc của Hội đồng dân tộc và 9 Uỷ ban cùng các vụ giúp việc
- Khu làm việc của lãnh đạo Văn phòng Quốc hội
- Khu khánh tiết (sảnh khánh tiết, phòng khách quốc tế, phòng hội đàm, phòng tiếp đại biểu, nhân dân trong nước)
- Phòng truyền thống của Quốc hội
- Thư viện Quốc hội có khả năng phục vụ 200 người đọc.
- Phòng tiệc có thể tổ chức tiệc đứng cho 800–1000 khách.
- Dưới tầng hầm của Nhà Quốc hội là Khu trưng bày tương đương với một bảo tàng khảo cổ học mang tên Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội trên tổng diện tích gần 3.700m².
Các công trình phụ
- Tòa nhà có khu vực đỗ xe ngầm quy mô 3 tầng hầm, sức chứa 550 ôtô với diện tích trên 17.000 m².
- Đường hầm nối Nhà Quốc hội và trụ sở Bộ Ngoại giao dài 60m, có hai phần đường dành cho người đi bộ và ôtô riêng biệt.
Nội thất
Phòng Diên Hồng gồm 2 tầng, phía trước có 2 màn hình lớn kích thước 100 inch. Phòng sử dụng 1.200 m² vách gỗ tường, khoảng 4.100 m² trần kim loại. Trên bàn họp của đại biểu được gắn các phím điều khiển chìm điện tử hiện đại. Ghế ngồi được thiết kế riêng bởi Công ty Figueras International Seating cho Nhà Quốc hội và sản xuất tại Tây Ban Nha. Ghế bọc da màu kem, có thể xoay 360°, có thể di chuyển tịnh tiến phía trước và phía sau. Ghế sẽ tự động di chuyển về vị trí ban đầu khi không còn người ngồi ở cuối mỗi phiên họp.
Hệ thống chiếu sáng của công trình này có tới khoảng 21.000 bộ đèn nội thất cùng với hệ thống đèn chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn, hệ thống điều khiển chiếu sáng. Tòa nhà có hai bộ đèn chùm pha lê kích thước rất lớn: một bộ treo trần phòng Diên Hồng nặng khoảng 6 tấn, một bộ treo ở Đại sảnh nặng khoảng 4,5 tấn, cả hai được đặt nguyên chiếc từ Ý.
Ngoại thất
Vật liệu mặt đứng toà nhà là đá tự nhiên màu be sáng, kính và kim loại mầu đồng cũng như chất liệu gỗ. Phần kính lắp đặt bên ngoài toà nhà có màu sắc hài hoà với cảnh quan nhưng vẫn đảm bảo từ bên ngoài nhìn vào không làm lộ các chi tiết.
Mô hình Quốc huy Việt Nam treo ở giữa mặt tiền của tòa nhà, bằng đồng nguyên chất, nặng 2,5 tấn được đúc trong nước. Các tiền sảnh bên ngoài tòa nhà và quảng trường Bắc Sơn được lát bằng hàng trăm nghìn tấn đá granite chống trơn khai thác tại Bình Định. Khu vực ngoài trời trên cao của tòa nhà có 14 khu vườn treo xen kẽ các phòng làm việc, tạo thành các mảng khuyết trên khối nhà lập phương, được trồng cọ, tre, lộc vừng.
Tầng hầm khảo cổ học
Tầng hầm khảo cổ học nằm sâu dưới mặt đất từ 7 m đến 13 m, có tổng diện tích mặt bằng trưng bày khoảng 3.700 m² với hơn 400 di vật và gần 10 di tích, chọn lọc trong số hàng chục nghìn di vật và 140 di tích từ nền móng của Nhà Quốc hội đã được các nhà khảo cổ học phát hiện, lưu giữ trong quá trình khai quật tại khu vực này trong hai năm 2008–2009.
Tầng dưới là nơi giới thiệu về các di tích và hiện vật thời Tiền Thăng Long, tức là những hiện vật có niên đại từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 10. Tầng trên là nơi giới thiệu kiến trúc và đời sống của hoàng cung kinh thành Thăng Long trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18. Tầng hầm khảo cổ học Nhà Quốc hội đã đạt đến tiêu chuẩn quốc tế mà ít bảo tàng ở Việt Nam thực hiện được.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội Việt Nam
Các nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của quốc hội Việt Nam được quy định theo Điều 70 trong Hiến pháp Việt Nam:
1. Quyền lập hiến, lập pháp
Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật;
Quy định tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước, chính quyền địa phương và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;
Quy định hàm, cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân, hàm, cấp ngoại giao và những hàm, cấp nhà nước khác; quy định huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự nhà nước;
2. Quyền giám sát tối cao
Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội;
Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các lãnh đạo của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan khác do Quốc hội thành lập;
Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;
3. Quyền quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước
Quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế – xã hội của đất nước;
Quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia;
Quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước;
Quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố;
Bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội;
Quyết định đại xá;
Quyết định vấn đề chiến tranh, hoà bình, an ninh quốc gia;
Quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại;
Quyết định trưng cầu ý dân.
Cơ cấu tổ chức của Quốc hội Việt Nam
Cơ cấu tổ chức của Quốc hội Việt Nam bao gồm lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban khác và không thể thiếu Đoàn Đại biểu Quốc hội thay mặt cho nhân dân cùng ngồi lại bàn về những vấn đề quan trọng của đất nước.
1. Lãnh đạo Quốc hội
Đứng đầu Quốc hội là Chủ tịch Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội do Quốc hội bầu ra trong số các đại biểu Quốc hội. Với vị trí là người đứng đầu cơ quan lập pháp, Chủ tịch Quốc hội có các nhiệm vụ, quyền hạn như chủ tọa của các phiên họp Quốc hội, chủ tọa các phiên họp Hội đồng dân tộc và các Ủy ban, lãnh đạo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, thay mặt Quốc hội trong quan hệ ngoại giao. Chủ tịch Quốc hội hiện tại là ông Vương Đình Huệ.
Các Phó chủ tịch Quốc hội do Quốc hội bầu ra trong số các đại biểu Quốc hội. Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch. Khi Chủ tịch Quốc hội vắng mặt thì một Phó Chủ tịch Quốc hội được Chủ tịch uỷ nhiệm thay mặt thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội.
2. Ủy ban thường vụ Quốc hội
Ủy ban thường vụ Quốc hội gồm Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội làm Phó Chủ tịch.
Thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và không đồng thời là thành viên Chính phủ. Số Phó Chủ tịch Quốc hội và số Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội do Quốc hội quyết định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể thành lập các Ban chuyên môn chịu trách nhiệm giúp Ủy ban Thường vụ trong các công tác hoạt động. Ủy ban Thường vụ Quốc hội hiện có 3 cơ quan trực thuộc là:
- Ban Công tác đại biểu
- Ban Dân nguyện
- Viện Nghiên cứu lập pháp
3. Hội đồng dân tộc và các Ủy ban
Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là cơ quan của Quốc hội, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội là các cơ quan của Quốc hội có chức năng thẩm tra dự án luật, kiến nghị về luật, báo cáo và dự án khác được Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội giao; thực hiện quyền giám sát trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do luật định; kiến nghị những vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của Ủy ban.
Ngoài Ủy ban Thường vụ, các Ủy ban khác của Quốc hội gồm:
- Ủy ban Pháp luật
- Ủy ban Tư pháp
- Ủy ban Kinh tế
- Ủy ban Tài chính – Ngân sách
- Ủy ban Quốc phòng và An ninh
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục
- Ủy ban Xã hội
- Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường
- Ủy ban Đối ngoại
4. Đoàn Đại biểu
Thành phần nhân sự của Quốc hội là các đại biểu Quốc hội Việt Nam, do cử tri Việt Nam bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Các đại biểu được bầu chịu trách nhiệm trước cử tri bầu ra mình và trước cử tri cả nước. Thông qua các đại biểu và thông qua quốc hội, nhân dân Việt Nam sử dụng quyền lực của mình để định đoạt các vấn đề của đất nước.
5. Các cơ quan khác
Đây là các cơ quan được Quốc hội thành lập và chịu sự giám sát của Quốc hội:
- Kiểm toán Nhà nước: Là cơ quan thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của Nhà nước
- Hội đồng Bầu cử Quốc gia: Có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
- Văn phòng Quốc hội: là cơ quan hành chính, tham mưu tổng hợp, phục vụ Quốc hội. Tổng thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Hoạt động của Quốc hội Việt Nam
Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội kéo dài 5 năm. Mỗi năm Quốc hội họp thường kỳ 2 lần. Quốc hội Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số.
1. Nhiệm kì Quốc hội
Nhiệm kì của mỗi khóa Quốc hội là 5 năm, kể từ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa đó đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa sau. Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kì, Quốc hội khóa mới phải được bầu xong. Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Kỳ họp Quốc hội
Quốc hội Việt Nam họp thường lệ mỗi năm 2 kỳ do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội triệu tập. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thể triệu tập phiên họp bất thường theo quyết định của mình, hoặc khi Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc khi có ít nhất 1/3 tổng số Đại biểu Quốc hội yêu cầu. Tháng 12 năm 2021, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định áp dụng điều 83 Hiến pháp để triệu tập Kì họp bất thường lần đầu tiên trong lịch sử để giải quyết các vấn đề cấp bách, đặc biệt là gói hỗ trợ kích thích kinh tế hậu đại dịch Covid-19.
Các cuộc họp của Quốc hội đều công khai, một số được truyền hình trực tiếp, phát sóng toàn quốc và ra nước ngoài. Quốc hội Việt Nam cũng có thể họp kín theo đề nghị của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc của ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội. Đại diện cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang, cơ quan báo chí, công dân và khách quốc tế có thể được mời dự các phiên họp công khai của Quốc hội.
Các nhiệm kì Quốc hội Việt Nam
Quốc hội Việt Nam hiện nay được ra đời cùng với nhà nước Việt Nam sau cuộc Tổng tuyển cử đầu tiền bầu ra Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 6 tháng 1 năm 1946. Từ đó đến nay, cơ quan này đã trải qua 15 khóa làm việc, với 12 đời Chủ tịch Quốc hội.
STT | Nhiệm kì | Năm | Số Đại biểu | Chủ tịch Quốc hội |
1 | Khóa I | 1946 – 1960 | 403 | Nguyễn Văn Tố
Bùi Bằng Đoàn (Từ 8/11/1946) Tôn Đức Thắng (Từ 1955) |
2 | Khóa II | 1960 – 1964 | 453 | Trường Chinh |
3 | Khóa III | 1964 – 1971 | 453 | Trường Chinh |
4 | Khóa IV | 1971 – 1975 | 420 | Trường Chinh |
5 | Khóa V | 1975 – 1976 | 424 | Trường Chinh |
6 | Khóa VI | 1976 – 1981 | 492 | Trường Chinh |
7 | Khóa VII | 1981 – 1987 | 496 | Nguyễn Hữu Thọ |
8 | Khóa VIII | 1987 – 1992 | 496 | Lê Quang Đạo |
9 | Khóa IX | 1992 – 1997 | 395 | Nông Đức Mạnh |
10 | Khóa X | 1997 – 2002 | 450 | Nông Đức Mạnh |
11 | Khóa XI | 2002 – 2007 | 498 | Nguyễn Văn An
Nguyễn Phú Trọng (Từ 2006) |
12 | Khóa XII | 2007 – 2011 | 493 | Nguyễn Phú Trọng |
13 | Khóa XIII | 2011 – 2016 | 500 | Nguyễn Sinh Hùng
Nguyễn Thị Kim Ngân (Từ 2016) |
14 | Khóa XIV | 2016 – 2021 | 496 | Nguyễn Thị Kim Ngân
Vương Đình Huệ (Từ 2021) |
15 | Khóa XV | 2021 – 2026 | 499 | Vương Đình Huệ |
Thông tin liên hệ Quốc hội Việt Nam
Địa chỉ Tòa nhà Quốc hội: 1 Đ. Độc Lập, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội
Địa chỉ Văn phòng Quốc hội: 35 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 08044322-08046050
Email: hotro@quochoi.vn
Website: https://quochoi.vn/
Như vậy, Địa điểm Việt Nam đã chia sẻ một số thông tin hữu ích nhằm giải đáp thắc mắc về Quốc hội Việt Nam đến với các bạn. Hãy để lại bình luận bên dưới bài viết để Địa điểm Việt Nam giải đáp những thắc mắc của bạn. Hãy truy cập Website: https://diadiemvietnam.vn để biết thêm nhiều bài viết hay về các địa điểm tại Việt Nam.
Để cộng đồng Địa điểm Việt Nam được phát triển, Ban quản trị xin phép mời các bạn đọc tham gia Group Facebook chính thức của cộng đồng để theo dõi thêm nhiều những địa điểm lý tưởng, hấp dẫn, mới lạ khác của Việt Nam, và cùng các thành viên của cộng đồng chia sẽ những địa điểm hấp dẫn mà các bạn đã được trải nghiệm để cộng đồng ngày càng phát triển, đưa vẻ đẹp Việt Nam tới nhiều người hơn nữa. Xin trân thành cảm ơn quý bạn đọc! Link tham gia Group Địa điểm Việt Nam:
fb.com/groups/diadiemvietnam.vn
Địa Điểm Việt Nam ra đời là kênh thông tin cơ sở dữ liệu về du lịch, các cơ quan tổ chức, địa điểm, dịch vụ, thương hiệu tại Việt Nam. Cung cấp thông tin cập nhật, hình ảnh, đánh giá trung thực và khách quan dựa trên đóng góp của cộng đồng. Địa Điểm Việt Nam chúc các bạn có những trải nghiệm tìm kiếm thông tin tuyệt vời cùng chúng tôi.!