Tòa án nhân dân tối cao: Cổng thông tin, tuyển dụng mới nhất

5/5 - (3 bình chọn)

Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác. Vậy trong bài viết này, Địa điểm Việt Nam sẽ cung cấp cho quý bạn đọc những thông tin hữu ích nhất về cơ quan vô cùng quan trọng này.

Lịch sử và phát triển Tòa án nhân dân tối cao

Ngày 13 tháng 9 năm 1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh thiết lập các Toà án quân sự. Uỷ ban nhân dân Trung bộ và Nam bộ, trong địa hạt hai bộ ấy, có thể đề đạt lên Chính phủ xin mở thêm Toà án quân sự ở những nơi trọng yếu khác. Về thẩm quyền xét xử, Toà án quân sự xử tất cả những người nào phạm vào một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trừ trường hợp phạm nhân là binh sĩ thì thuộc về nhà binh tự xử lấy theo quân luật (Điều 2).

tru-so-toa-an-nhan-dan-toi-cao
Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao

Trong cuộc cải cách Tư pháp năm 1950 Chính phủ ra Sắc lệnh số 85 ngày 22/5/1950 quy định:

Về tổ chức:

– Bộ máy tư pháp được dân chủ hoá các Tòa án sơ cấp, đệ nhị cấp nay gọi là Tòa án nhân dân huyện, Tòa án nhân dân tỉnh. Hội đồng phúc án nay là Tòa Phúc thẩm phụ thẩm nhân dân nay gọi là hội thẩm nhân dân.

– Thành phần nhân dân được đa số trong việc xét xử: Để xét xử việc hình và hộ, Tòa án nhân dân huyện và tỉnh gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân. Tòa Phúc thẩm gồm hai Thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân. Hội thẩm nhân dân có quyền xem hồ sơ và biểu quyết.

– Thành lập hội đồng hoá giải tại mỗi huyện nhằm mục đích giao cho nhân dân trực tiếp phụ trách việc hoá giải tất cả các việc hộ kể cả việc ly dị mà từ trước tới nay chỉ có Chánh án Tòa án tỉnh mới có thẩm quyền. Biên bản hòa giải thành có chấp hành lực. Đây là một điểm tiến bộ so với thế hệ cũ. Khi các đương sự đã thoả thuận trước hội đồng hoá giải thì việc hòa giải được đem thi hành ngay.

– Áo chùng đen của Thẩm phán và luật sư nay bỏ đi.

Về thẩm quyền:

– Tăng thẩm quyền cho ban tư pháp xã về việc phạt vi cảnh để làm cho một số việc ít quan trọng về mặt trị an sẽ được giải quyết mau chóng ngay tại xã.

– Giao cho các Tòa án nhân dân huyện quyền ấn định các phương pháp bảo thủ, dù việc xử kiện không thuộc thẩm quyền Tòa án nhân dân huyện để tránh cho đương sự khỏi phải tốn phí đi lên Tòa án tỉnh và những việc cấp bách có thể được giải quyết mau chóng hơn.

Về tố tụng:

– Trái với quan niệm cũ cho rằng việc hộ thường chỉ có lợi hoặc có hại riêng cho tư nhân mà xã hội không cần can thiệp đến, thì nay công tố viên có quyền kháng cáo các án hộ nếu xét ra cần thiết.

– Theo Sắc lệnh số 51 ngày 17 tháng 4 năm 1946, biện lý bắt buộc phải đưa sang phòng dự thẩm để thẩm cứu một số việc hình dù rằng xét ra không cần thiết. Nay biện lý chỉ giao sang phòng dự thẩm khi xét thật cần thiết mà thôi.

– Trước đây mỗi khi thủ tục tố tụng không được theo đúng thì bị tiêu hủy dù không có hại cho việc thẩm cứu, hoặc cho quyền lợi của đương sự. Nay coi điều đó là quá câu nệ về hình thức không còn hợp thời nữa.

– Từ nay người bị thiệt hại về một vụ phạm pháp có thể xin kháng cáo không những để tăng tiền bồi thường mà còn để tăng hình phạt nữa.

– Việc chấp hành án nay giao cho Thẩm phán huyện phụ trách.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao

Nhiệm vụ và quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao được quy định trong Điều 20, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 như sau:

1. Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của các Tòa án nhân dân các cấp, Toà án quân sự các cấp đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.

2. Giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác, trừ trường hợp do luật định.

3. Tổng kết thực tiễn xét xử của các Tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

4. Đào tạo; bồi dưỡng Thẩm phán, Hội thẩm, các chức danh khác của Tòa án nhân dân.

5. Quản lý các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự về tổ chức theo quy định của Luật này và các luật có liên quan, bảo đảm độc lập giữa các Tòa án.

6. Trình Quốc hội dự án luật, dự thảo nghị quyết; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết theo quy định của luật.

Cơ cấu tổ chức Tòa án nhân dân tối cao

Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao gồm:

1. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: gồm Chánh án, các Phó Chánh án và một số Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Tổng số không được quá 17 người, không dưới 13 người.

2. Bộ máy giúp việc

3. Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.

Dưới Tòa án Nhân dân Tối cao là các Tòa án Nhân dân Cấp cao. Hiện tại có 3 Tòa án Nhân dân Cấp cao ở mỗi miền: Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội (miền bắc), Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng (miền trung) và Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (miền nam).

1. Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước. Nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội là 5 năm.

chanh-an-toa-an-nhan-dan-toi-cao
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao

Phó Chánh án, Thẩm phán do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao. Nhiệm kỳ của Phó Chánh án và Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là 5 năm.

Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao hiện tại:

  • Chánh án: Nguyễn Hòa Bình
  • Phó Chánh án:
    1. Thiếu tướng Dương Văn Thăng, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương (Việt Nam)
    2. Nguyễn Trí Tuệ (từ 21/6/2017)
    3. Nguyễn Văn Du (từ 8/6/2018)
    4. Nguyễn Văn Tiến (từ 27/8/2020)
    5. Phạm Quốc Hưng (từ 7/4/2022)

2. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Hội đồng Thẩm phán đương nhiệm gồm 17 thành viên:

  • Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: Nguyễn Hòa Bình.
  • Các Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao:
    1. Thiếu tướng Dương Văn Thăng
    2. Nguyễn Trí Tuệ
    3. Nguyễn Văn Du
    4. Nguyễn Văn Tiến
  • Các thẩm phán Tòa án nhân tối cao:
    1. Bùi Ngọc Hòa
    2. Tống Anh Hào
    3. Nguyễn Văn Thuân
    4. Nguyễn Thúy Hiền
    5. Lương Ngọc Trâm
    6. Lê Văn Minh
    7. Chu Xuân Minh
    8. Đặng Xuân Đào
    9. Trần Văn Cò
    10. Đào Thị Xuân Lan
    11. Nguyễn Thị Hoàng Anh

3. Bộ máy giúp việc 

Bộ máy giúp việc cho Chánh án bao gồm các vụ, cục, ban và các cơ quan báo chí. Ngoài ra còn có Học viện Tòa án là cơ quan đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Tòa án cũng thuộc sự quản lý của Tòa án nhân dân tối cao.

  • Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao
  • Cục Kế hoạch – Tài chính
  • Vụ Giám đốc, kiểm tra về hình sự, hành chính
  • Vụ Giám đốc, kiểm tra về dân sự, kinh doanh – thương mại
  • Vụ Giám đốc kiểm tra về lao động, gia đình và người chưa thành niên
  • Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học
  • Ban Thanh tra
  • Vụ Tổ chức – Cán bộ
  • Vụ Tổng hợp
  • Vụ Hợp tác quốc tế
  • Vụ Thi đua – Khen thưởng
  • Vụ Công tác phía Nam
  • Báo Công lý
  • Tạp chí Tòa án nhân dân
  • Cơ quan đào tạo, bồi dưỡng: Học viện Tòa án
hoc-vien-toa-an
Học viện Tòa án

Quy định về xét xử của Tòa án nhân dân tối cao

Theo Hiến pháp Việt Nam và theo các quy định về xét xử, các cuộc xét xử của Tòa án Nhân dân Tối cao công khai, độc lập, không lệ thuộc vào chính quyền, và chỉ tuân theo pháp luật. Cách thức xét xử tập thể, có hội thẩm Nhân dân tham gia, quyết định theo đa số

Tòa án Nhân dân Tối cao phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật; người tham gia tố tụng có quyền tự bào chữa và mời luật sư bào chữa, có quyền được dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.

Theo ông Nguyễn Văn Hiện, cựu Chánh án Toà án nhân dân tối cao: “Để đảm bảo chất lượng công tác xét xử, cần phải có 5 điều kiện: người tiến hành tố tụng tốt; hệ thống pháp luật tốt; người tham gia tố tụng tốt; hệ thống các cơ quan hỗ trợ tư pháp tốt; và thực hiện tốt nguyên tắc độc lập tư pháp, tuân theo pháp luật”.

Thông tin tuyển dụng công chức Tòa án nhân dân tối cao năm 2022

Tòa án nhân dân tối cao thông báo về tuyển dụng 210 công chức ngạch Thư ký viên làm việc tại Toà án nhân dân các cấp. Tuyển dụng thông qua thi tuyển theo 02 vòng: Vòng 1 Thi trắc nghiệm trên giấy; Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành (Thi viết 180 phút)

1. Điều kiện tiêu chuẩn

– Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; Đủ 18 tuổi trở lên;

– Có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng được cơ quan có thẩm quyền xác nhận trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển;

– Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, lịch sử chính trị gia đình và bản thân không vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; Đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ; không bị dị hình, dị tật, không nói lắp, nói ngọng;

2. Về trình độ chuyên môn

– Có trình độ Cử nhân Luật hệ Chính quy tốt nghiệp loại khá trở lên; có chứng chỉ (chứng nhận) bồi dưỡng nghiệp vụ Tòa án do Học viện Tòa án cấp; hoặc chứng chỉ (chứng nhận) đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghề luật sư do Học viện Tư pháp cấp;

– Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc 2 (hoặc tương đương) khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDDT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam trở lên;

– Có chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông trở lên.

3. Những người không được đăng ký dự tuyển

Những người không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn nêu trên; Không cư trú tại Việt Nam; Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; bị cơ quan có thẩm quyền kỷ luật từ khiển trách trở lên hoặc đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật.

4. Đối tượng và điểm ưu tiên

– Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B: Được cộng 7,5 điểm vào kết quả điểm thi tại vòng 2;

– Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con của người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa (từ ngày 19 tháng 8 năm 1945 trở về trước), con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động: Được cộng 5 điểm vào kết quả điểm thi tại vòng 2;

– Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ phục vụ có thời hạn trong lực lượng công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ: Được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm thi tại vòng 2;

Lưu ý: Trường hợp người dự thi tuyển thuộc nhiều diện ưu tiên thì chỉ được cộng điểm ưu tiên cao nhất vào kết quả điểm thi tại vòng 2

5. Hồ sơ đăng ký dự tuyển

– Phiếu đăng ký dự tuyển theo mẫu;

– Bản sơ yêu lý lịch tự thuật (dán ảnh 4×6), có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người dự tuyển thường trú hoặc cơ quan nơi người dự tuyển đang công tác trong thời hạn 30 ngày;

– Phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp nơi người dự tuyển thường trú cấp; Bản sao giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân được cơ quan có thẩm quyền cấp;

– Bản sao (có chứng thực) các văn bằng, chứng chỉ, kết quả học tập có liên quan

– Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển;

– Các loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp xác nhận là đối tượng ưu tiên (nếu có).

– Hai (02) ảnh 4×6 (chụp trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển);

– Đơn của người dự tuyển cam kết về việc chấp hành nghĩa vụ, quy định, sự phân công công tác của cơ quan tuyển dụng nếu trúng tuyển

6. Thời gian, địa điểm nhận hồ sơ dự đăng ký dự thi

30 ngày kể từ ngày thông báo tuyển dụng, tại Vụ Tổ chức – Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao, số 48 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại 024.6274.1126.

Lệ phí dự thi theo quy định tại Thông tư số 92/2021/TT-BTC ngày 28/10/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tuyên dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức.

Thời gian thi được thông báo trên trang thông tin điện tử Toà án nhân dân tối cao tại địa chỉ: http://www.toaan.gov.vn

Thông tin liên hệ Tòa án nhân dân tối cao


Địa chỉ: 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Điện thoại: 024.62741133

Email: banbientap@toaan.gov.vn, tatc@toaan.gov.vn

Như vậy, Địa điểm Việt Nam đã chia sẻ một số thông tin hữu ích nhằm giải đáp thắc mắc về Tòa án nhân dân tối cao đến với các bạn. Hãy để lại bình luận bên dưới bài viết để Địa điểm Việt Nam giải đáp những thắc mắc của bạn. Hãy truy cập Website: https://diadiemvietnam.vn để biết thêm nhiều bài viết hay về các địa điểm tại Việt Nam.

Để cộng đồng Địa điểm Việt Nam được phát triển, Ban quản trị xin phép mời các bạn đọc tham gia Group Facebook chính thức của cộng đồng để theo dõi thêm nhiều những địa điểm lý tưởng, hấp dẫn, mới lạ khác của Việt Nam, và cùng các thành viên của cộng đồng chia sẽ những địa điểm hấp dẫn mà các bạn đã được trải nghiệm để cộng đồng ngày càng phát triển, đưa vẻ đẹp Việt Nam tới nhiều người hơn nữa. Xin trân thành cảm ơn quý bạn đọc! Link tham gia Group Địa điểm Việt Nam:

fb.com/groups/diadiemvietnam.vn

Bài viết liên quan